Hoạt động khối chính quyền
Sáng ngày 06/05/2023 UBND Phường kết hợp Trung tâm y tế quận Long Biên tổ chức hội nghị truyền thông bệnh tan máu bẩm sinh Thalassemia tại nhà văn hóa UBND phường Cự Khối, hội nghị thu hút trên 80 người tham gia
Tời dự và làm báo cáo viên hội nghị có thạc sỹ, bác sỹ Đỗ Thị Hồng Vân – Phó giám đốc Trung tâm Thalasemia thuộc bệnh viện Huyết học Trung Ương; Đ/c Nguyễn Khắc Thúy – PGĐ trung tâm y tế quận Long Biên; các đồng chí đại diện phòng Dân số và Truyền thông thuộc trung tâm y tế quận Long Biên; các đồng chí thành viên Ban chỉ đạo chăm sóc sức khỏe ban đầu và dân số KHHGĐ; các đồng chí bí thư chi bộ, tổ trưởng, tổ phó tổ dân phố, cộng tác viên dân số - y tế, hội viên các hội Người cao tuổi, hội phụ nữ, đoàn thanh niên và nhân dân trên địa bàn phường.
Thalasemia còn gọi là bệnh tan máu bẩm sinh (TMBS) là do tan máu di truyền. Bệnh có hai biểu hiện nổi bật là thiếu máu và ứ sắt trong cơ thể, nên bệnh nhân phải điều trị suốt đời, nếu không được điều trị thường xuyên, đầy đủ, sẽ có nhiều biến chứng làm bệnh nhân chậm phát triển thể trạng, giảm sức học tập, lao động, tuổi thọ thấp...
Cũng tại hội nghị báo cáo viên muốn nhấn mạnh và truyền tải thông điệp quốc tế: “Chung tay đẩy lùi bệnh tan máu bẩm sinh vì sức khỏe cộng đồng, vì tương lai nòi giống”. Kinh nghiệm của Thế giới cho thấy, có thể hạn chế được 90-95% số mắc mới Thalassemia nếu được tiến hành các biện pháp dự phòng thông qua hạn chế việc kết hôn giữa người mang Gen bệnh (dự phòng cấp 1) bằng các biện pháp như tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn, sàng lọc phát hiện sớm cho thai nhi để xác định xem cá nhân có mang Gen bệnh hay không từ đó giúp cho họ có sự lựa chọn đúng đắn về hôn nhân cũng như quyết định mang thai và sinh đẻ nhằm sinh ra những đứa con không mắc bệnh tan máu bẩm sinh. Đây là biện pháp hiệu quả và chi phí thấp. Đồng thời tiến hành tầm soát, chẩn đoán trước sinh (dự phòng cấp 2) sẽ góp phần phát hiện thêm các trường hợp mắc bệnh ở thai nhi để tư vấn chỉ định đình chỉ thai nghén với các trường hợp mắc bệnh thể nặng. Nếu cả vợ và chồng đều mang gen bệnh thì có 25% nguy cơ mắc bệnh ở thể nặng, trường hợp này cần được thực hiện chẩn đoán trước sinh bằng phương pháp chọc ối tìm đột biết gen. Đối với bệnh nhân mức độ nặng và trung bình cần: truyền máu định kỳ và dùng thuốc thải sắt suốt đời; đến khám và điều trị đúng hẹn; khám lại ngay khi có dấu hiệu bất thường như: mệt nhiều, đau tim, khó thở, sốt cao, phù…; ghép tế bào gốc để điều trị bệnh, biện pháp này cần phải đáp ứng điều kiện ngặt nghèo hơn như phải tìm được nguồn tế bào gốc, điều kiện sức khỏe đảm bảo, chi phí cao… Mỗi năm có khoảng hơn 8.000 trẻ em sinh ra bị bệnh Tan máu bẩm sinh, trong đó khoảng hơn 2.000 trẻ bị bệnh nặng. Việt Nam đã có những nỗ lực lớn song việc điều trị mới chỉ giúp cải thiện tốt cuộc sống của người bệnh chứ chưa thể chữa khỏi bệnh. Chất lượng sống của các bệnh nhân bị Tan máu bẩm sinh rất thấp, số tử vong lớn. Hiện nay, số lượng bệnh nhân Tan máu bẩm sinh đã làm các bệnh viện quá tải, tạo áp lực nặng nề lên ngân hàng máu cũng như gánh nặng về chi phí xã hội./.